Tự nhiên trong khoảng 3 ngày trở lại đây, tôi vô tình đọc được, chứng kiến hoặc trải qua khá nhiều câu chuyện giống nhau (có thể là do tôi tự quy chúng về một hệ trục so sánh).
Cô bạn đại học, đăng 1 tus về việc cô ấy gần đây hay nóng tính và lại nói những lời làm tổn thương mọi người, sau đó cô đưa ra lựa chọn: im lặng thay vì nổi nóng với những người xung quanh, không phải vì đúng sai, không phải vì nhẫn nhịn, mà vì trân trọng các mối quan hệ đó. Bài đăng giống như giải thích với mọi người, tự hứa với bản thân, và quyết định thay đổi.
Một cô bạn khác cấp trung học, cũng nói về việc hay cáu gắt với tất cả mọi thứ xung quanh, bao gồm cả những người thân sống trong một nhà. Không phải lời nói cay nghiệt, nhưng là thái độ gắt gỏng và khó chịu. Cô cũng nhận ra nhưng có vẻ bất lực với việc thay đổi. Dù sao thì những lời nói hoặc cư xử đó cũng đến rất bất ngờ và bộc phát, nếu kiểm soát được thì nói gì là vấn đề nữa. Cô muốn hành động sửa sai, nhưng lại thấy nó mông lung về lâu dài.
Còn tôi, dạo gần đây luôn cảm thấy buồn bực và thiếu sự hài hước, vui vẻ trong lời nói, cũng tự thấy bản thân dễ thu mình, đôi khi là tự ái, tủi thân, mặc cảm hơn. Tôi muốn im lặng để không lỡ lời, sợ làm tổn thương người khác, nhưng chính sự im lặng của tôi lại là thứ người khác thấy đáng sợ hơn. Chắc vì do nó quá khác với tính cách tôi thường thể hiện với mọi người.
Thật ra ba chuyện trên chỉ là những điều nhỏ nhặt tôi thấy, tất nhiên nó là vấn đề to đùng với người gặp phải đó, cảm giác rất khó chịu. Qúa là khập khiễng nếu so sánh độ sát thương và tổn thương trong các hoàn cảnh. Có thằng em tôi bảo: “Chị làm tổn thương người khác, vì căn bản chị cảm thấy đó không phải là lỗi của chị” có phải không nhỉ, có phải đó là bản tính đổ lỗi cho người khác, không nhận trách nhiệm về mình không?
Nếu bạn cũng mắc phải hoàn cảnh này, thì chúng ta có thể làm gì? Sau vài lần kinh nghiệm, tôi tự rút ra cho bản thân vài đường lui. Thử gợi ý vài cách làm tôi nghĩ ra xem (có thể đúng hoặc không với tuỳ quan điểm nhé)
1. Đầu tiên là nên chỉnh lại giờ giấc sinh học của mình, thói quen ăn uống. Cơ thể mình khoẻ, thì mới không bị các triệu chứng khó chịu mệt mỏi.
2. Làm hoặc xem nhiều thứ tích cực (kênh Châu Bùi trên instagram là 1 gợi ý cho ai muốn tìm sự tích cực lành mạnh nhé!)
2. Hoạt động nhiều hơn, hạn chế nói trong lúc tức giận hơn, viết ra nhiều hơn, hoặc có thể nói (nhưng với người khác nhé, các thể loại bạn thân giờ sẽ hữu dụng này) Vì kể lại là đã trút bớt nóng rồi, 1 lúc sau có khi bạn lại mất hứng nổi nóng =)))
3. Dành thời gian cho việc nào đó (có thể học thêm cái mới) để phân tán bớt thời gian suy nghĩ tiêu cực.
4. Cái này khó này, cố gắng nhìn ra hơn, phân tích bản chất của vấn đề, kiểu chuỗi: vì sao nó lại làm thế -> vì mình làm này ->vì mình sợ sẽ làm sao…. nói chung đến tận cùng của cái đó, xong thấy nếu ban đầu sơ khai là do mình, hoặc tên mình xuất hiện nhiều trong cái chuỗi kia, thì ok chúc mừng bạn, bạn làm sai bạn không có tư cách tức giận lên người khác nhé. Tiên trách kỷ hậu trách nhân mà. Tôi nghĩ cái này khó như vầy mà ai làm được thì người đó sẽ tiến dần đến nấc thang trưởng thành, nơi mà bạn bình tĩnh giải quyết vẫn đề bằng con mắt quan sát từ nhiều hướng hơn.
5. À thật ra vẫn còn một đường lui cho bạn, đó là tránh nó ra, lờ nó đi. Không thích nghi, thay đổi được thì quit :)) Bớt để tâm hoặc coi nhẹ nó đi :))
Chào, chúc tôi và chúc những mẩu chuyện tôi tình cờ thấy được sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.